Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Mỹ viện: vàng thau lẫn lộn

My vien vang thau lan lon
Cách đây khoảng 10 năm, nhắc đến thẩm mỹ viện, nhiều người cho rằng đó là nơi dành cho những người giàu có, những ai muốn đốt tiền. Và lúc đó số lượng các thẩm mỹ viện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bây giờ thì khác. Ngay cả người có thu nhập khá cũng biết cách tính toán chi tiêu để dành ra một số tiền đầu tư vào sắc đẹp. Người ta đã có cái nhìn thiện cảm hơn đối với thẩm mỹ viện bởi thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích và hiệu quả mà thẩm mỹ viện đem lại cho con người. Tỉnh, thành phố lớn nào cũng có hàng chục thẩm mỹ viện.

Tuy nhiên, hiện nay các thẩm mỹ viện mở ra không theo một tiêu chuẩn nào, vì thế mà xuất hiện không ít những thẩm mỹ viện rởm, những salon kém chất lượng. Giữa các thẩm mỹ viện luôn có một cuộc đua ngầm về mặt tiền cơ sở, hệ thống máy móc, nhãn hiệu sản phẩm và cả trình độ tay nghề của nhân viên. Do đó hệ thống thẩm mỹ viện chia làm 2 loại: cao cấp và trung bình.

Phòng ốc thiết kế đẹp, một bản nhạc du dương, lãng mạn, thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ, đó là không gian của các beauty salon cao cấp. Loại trung bình, hợp với túi tiền của nhiều người là các thẩm mỹ viện khiêm tốn hơn. Danh sách dịch vụ của các mỹ viện ngày một dài ra theo thời gian.

Từ massage mặt, massage body, tắm trắng, tẩy lông... Nhưng đó mới chỉ là chăm sóc sắc đẹp. Giải phẫu sắc đẹp cũng phong phú và đa dạng không kém: căng mặt, nâng mũi, phun, xăm mắt... Tuy nhiên hiện nay chỉ có phần nhỏ cơ sở được ngành y tế cấp giấy phép giải phẫu thẩm mỹ.

Và điều đáng nói là dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ còn có mặt cả ở các tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng tay với giá cực rẻ. Ví dụ mỗi lần phun xăm cả môi lẫn mắt, giá chỉ 500.000đ. Ngày càng có nhiều tiệm cắt tóc lên đời, phục vụ nhu cầu làm đẹp cho chị em từ A tới Z với giá chỉ bằng 1/2 thậm chí là 1/3 so với giá ở các trung tâm thẩm mỹ có phép, vì vậy, thu hút được khá nhiều khách.

Chỉ buồn một nỗi, ở nước ngoài, giải phẫu thẩm mỹ là một chuyên khoa sâu của ngành ngoại khoa. Muốn thực hành lĩnh vực này, bác sĩ bình thường phải học 4 năm ngoại khoa, sau đó học sâu giải phẫu thẩm mỹ thêm 2 năm nữa. Còn nước ta thì...

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 200 cơ sở thẩm mỹ nhưng chỉ có 14 cơ sở là do Sở Y tế quản lý. Còn lại theo Chỉ thị 70 UBND thành phố Hà Nội thì trách nhiệm kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ không điều kiện thuộc về UBND các cấp. Nếu cơ sở thẩm mỹ hành nghề trái phép hoặc quá phạm vi hoạt động thì UBND phường, xã phải phát hiện và xử lý. Sở Y tế chỉ trực tiếp kiểm tra xử lý khi người dân có khiếu kiện.

Hiện nay, tại TP.HCM và Hà Nội, rất nhiều cơ sở thẩm mỹ treo biển quảng cáo, trưng bằng tu nghiệp từ nước ngoài về khiến khách hàng mắc lừa. Để tránh tình trạng bị mắc lừa này, theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì chính những người dân phải phân biệt được đâu là quảng cáo thật, đâu là quảng cáo giả.

Hiện có nhiều tổ chức, hiệp hội nước ngoài cứ đóng tiền vào là thành hội viên, được cấp chứng chỉ. Nhưng chỉ có những chứng chỉ thuộc trường đại học chuyên ngành, những viện hàn lâm có uy tín với những tiêu chuẩn nhất định được quốc tế công nhận thì mới đáng tin cậy.

Với tình hình thật giả lẫn lộn các spa, cơ sở thẩm mỹ, phòng phẫu thuật thẩm mỹ như hiện nay, cũng theo ông Cường, cách tốt nhất là người dân cần nhớ, các dịch vụ tẩy xóa nốt ruồi, xăm mắt, xăm môi, phẫu thuật mắt một mí thành hai mí thì chỉ có ở 14 cơ sở biển hiệu ghi Phòng khám tư nhân chuyên ngành giải phẫu thẩm mỹ, có tên bác sĩ tiến hành giải phẫu thẩm mỹ, giấy chứng nhận hành nghề.

Còn lại, các dịch vụ lấy mỡ bụng, nâng ngực... thì chỉ được tiến hành tại các bệnh viện lớn như 108, Việt Nam - Cu-ba, Hòe Nhai... Tất cả các cơ sở thẩm mỹ khác đều chỉ được chăm sóc sắc đẹp đơn thuần bằng mỹ phẩm.

Theo Hà Nội Mới

Tham my vien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét